RSS

THẬN VÀ HỆ TIẾT NIỆU

29 Dec

Đường tiết niệu gồm 2 thận, 2 niệu quản (là hai ống hẹp nối liền hai thận với bàng quang), bàng quang và niệu đạo (là một ống dẫn bàng quang). Chức năng cơ bản của hệ tiết niệu là hoạt động như một máy lọc cho cơ thể, cho phép các chất thải và các hoá chất độc hại được rút ra khỏi dòng máu và thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Thận

Hai thận nằm ở hai bên bụng và hơi ra phía sau. Mỗi giờ trong ngày hai thận nhận hơn 57 lít máu qua hai động mạch thận, chiếm khoảng ¼ tổng cung lượng tim. Mức độ cung cấp máu này được duy trì liên tục do hoạt động làm sạch của hai thận, cần thiết cho sự sống tiếp tục. Mặc dù chúng ta có hai thận, nhưng chúng ta vẫn có thể sống bình thường chỉ với một thận còn hoạt động tốt.

          Bên cạnh chức năng lọc máu, lấy đi các hoá chất thải nguy hiểm trong máu, hai thận còn đảm nhiệm việc duy trì cân bằng dịch trong cơ thể, bằng cách theo dõi sự dao động nồng độ muối và đường trong máu, hai thận có thể thay đổi số lượng dịch mất qua nước tiểu, do vậy phòng tránh được mất nước. Chúng còn có thể bù trừ cho lượng dịch hấp thu quá nhiều bằng cách tăng cung lượng nước tiểu. Hai thận còn tạo ra hormone, một trong những hormone này giúp điều hoà huyết áp. Ngoài ra, một bộ phận rất nhỏ bên trong thận giúp tiết ra một nội tiết tố là erythropoietin giúp kích thích cơ thể tạo hồng cầu. Do đó, người bị suy thận mãn thường bị thiếu máu.

            Hơn 99 % lượng dịch qua hai thận được tái hấp thu trở lại máu, cùng với đường glucose, muối, và các chất khoáng. Hai thận tạo ra nước tiểu nhỏ chầm chậm xuống bàng quang liên tục 24 giờ trong ngày thông qua niệu quản. Hai niệu quản là hai ống cơ rất hẹp, chúng nối 2 thận với bàng quang, và dài khoảng 30 cm, có đường kính nhỏ hơn 6mm.

 Bàng quang

Bàng quang là một túi bằng cơ chứa nước tiểu, và nó nhận khoảng 1-2lít /ngày tùy thuộc vào lượng nước trong cơ thể. Bàng quang căng và dự trữ nước tiểu đến khi thuận lợi cho đi tiểu. Bàng quang ở người lớn trung bình có thể chứa 0,5 lít nước tiểu trước khi làm trống bàng quang.

Khi thành bàng quang căng vượt quá giới hạn cho phép, các dây thần kinh sẽ gửi tín hiệu lên não và tạo cảm giác mắc tiểu. Người lớn có thể kiểm soát thời gian đi tiểu nhưng trẻ con không thể và bàng quang của chúng làm trống 1 cách đơn giản khi đầy. Sự co thành cơ bàng quang tống mạnh nước tiểu qua niệu đạo ra “thế giới bên ngoài”. Trong suốt thời gian co, các lỗ niệu quản trên thành bàng quang đóng lại, đảm bảo không có trào ngược nước tiểu lên thận. Trước khi nước tiểu rời khỏi cơ thể, nó là vô trùng, không có các phần tử lây nhiễm.

Niệu đạo

Niệu đạo là phần thấp nhất của đường tiết niệu, và dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Trong thành niệu đạo có một lớp bàng quang tương đối dầy. Có một số tuyến niệu đạo chế tiết chất nhầy, các tuyến này phóng thích chất nhầy vào niệu đạo, giữ cho niệu đạo ẩm.

Ở phụ nữ, bàng quang nằm phía trước tử cung và âm đạo, và vì vậy niệu đạo chỉ dài khoảng 4 cm. Vai trò chủ yếu của nó là dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Tuy nhiên, ở nam, niệu đạo dài khoảng 20 cm, có thêm chức năng là đường phóng tinh dịch khi giao hợp. Niệu đạo đi qua tiền liệt tuyến nhận dịch từ 2 túi tinh, và sau đó phóng ra bên ngoài qua dương vật.


 

 

 
Leave a comment

Posted by on December 29, 2007 in Thận-tiết niệu

 

Leave a comment